Đẩy mạnh quản lý rủi ro thiên tai trong doanh nghiệp vừa và nhỏ
Chiều ngày 12/7/2017,Chi nhánh Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) phối hợp với Quỹ Châu Á tổ chức Hội thảo “Quản lý rủi ro thiên tai trong Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Bài học kinh nghiệm và định hướng cho những năm tiếp theo”.
Hội thảo này nhằm chia sẻ thông tin về những nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ứng phó với rủi ro thiên tai (RRTT) và biến đổi khí hậu (BĐKH), đồng thời gửi thông điệp kêu gọi sự chủ động từ cộng đồng doanh nghiệp cũng như tăng cường hiệu quả sự tham gia của nhà nước và các bên có liên quan trong các nỗ lực ứng phó. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án “Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong quản lý rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng tại Việt Nam” (DRM) do Văn phòng Trợ giúp thiên tai nước ngoài (OFDA) thuộc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ từ năm 2011 đến năm 2017.
Những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai xảy ra với tần suất cao, cường độ mạnh và diễn biến khó lường đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, tác động tiêu cực tới quá trình phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương tại Việt Nam. Thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng năm 2016 vừa qua, thiên tai đã làm chết và mất tích gần 300 người, làm sập đổ và cuốn trôi gần 5.500 ngôi nhà, gây thiệt hại cho hàng trăm nghìn héc-ta diện tích hoa màu, với tổng thiệt hại ước tính gần 38 nghìn tỷ đồng.
Phát biểu khai mạc hội thảo, Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết: “Tác động của RRTT và BĐKH lên hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đang ngày càng gia tăng, song năng lực ứng phó của các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là DNNVV, còn khá hạn chế. Phần lớn các doanh nghiệp vẫn tự xoay sở, do thiếu thông tin hoặc hỗ trợ tư vấn cần thiết từ các bên có liên quan. Vì thế, việc tăng cường hợp tác giữa nhà nước, khu vực tư nhân cũng như các bên có liên quan nhằm nâng cao năng lực ứng phó cho các doanh nghiệp là điều hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, trong bối cảnh thương mại quốc tế gắn với phát triển bền vững hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu bắt đầu đặt ra những yêu cầu mới như sản phẩm/dịch vụ thân thiện môi trường, giảm phát thải, sản xuất xanh tiết kiệm năng lượng, ưu tiên sử dung năng lượng tái tạo…, điều này cũng đòi hỏi các doanh nghiệp Việt Nam cần có chuẩn bị và điều chỉnh phủ hợp. Trong giai đoạn 2011-2017, với sự hỗ trợ của USAID và Quỹ Châu Á, VCCI và các đối tác triển khai dự án DRM đã tiến hành nhiều hoạt động hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp ứng phó với RRTT và BĐKH, bước đầu đã giúp nhiều doanh nghiệp giảm đáng kể những thiệt hại do thiên tai gây ra. Trong thời gian tới, việc tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp nâng cao năng lực ứng phó RRTT và BĐKH, cũng như thích ứng với những tiêu chuẩn mới thông qua các cơ chế hợp tác công-tư sẽ có vai trò hết sức quan trọng, nhằm đảm bảo nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như năng lực cạnh tranh quốc gia như định hướng Chính phủ đã đặt ra gần đây”.
Cũng trong phần khai mạc, ông Fillip Graovac, Phó Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam - đơn vị quản lý Dự án, phát biểu: “Trong bối cảnh đa phần các dự án quản lý rủi ro thiên tai của các tổ chức phát triển đều hướng đến cộng đồng dân cư, Dự án này là sáng kiến mang tính tiên phong của Quỹ Châu Á và VCCI cùng các đối tác, hướng đến việc giảm thiểu tác động của thiên tai cho cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam. Từ năm 2011 tới nay, Dự án đã hỗ trợ tăng cường năng lực ứng phó trực tiếp cho hơn 2.000 doanh nghiệp tại 20 tỉnh thành của Việt Nam, đào tạo và thiết lập mạng lưới chuyên gia, giảng viên gắn với doanh nghiệp, cũng như xây dựng và phổ biến nhiều tài liệu đào tạo, ấn phẩm chuyên về lĩnh vực quản lý RRTT. Dự án cũng đã thúc đẩy sự hợp tác giữa hiệp hội doanh nghiệp với các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương trong việc xây dựng và thực hiện các chính sách về quản lý RRTT hướng đến doanh nghiệp, thúc đẩy Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp theo hướng phòng ngừa trong cộng động dân cư.”
(Ông Fillip Graovac - Phó Trưởng Đại diện Quỹ Châu Á tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo)
Là một trong những đơn vị trực tiếp triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với RRTT và BĐKH trong những năm qua tại Miền Trung-Tây Nguyên, ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc VCCI chi nhánh Đà Nẵng, cho biết: “Dù còn có nhiều hạn chế, song điểm đáng khích lệ là hiện nay nhiều doanh nghiệp nhìn nhận RRTT và BĐKH không thuần túy là thách thức, mà còn là cơ hội đối với sự phát triển của mình. Đó có thể là tạo cơ hội kinh doanh mới, tái cơ cấu sắp xếp lại doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm mới hay thị trường mới cho sản phẩm của doanh nghiệp… Dù vậy, để biến những cơ hội này trở thành hiện thực, các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ của Nhà nước và các bên có liên quan. Thực tiễn triển khai của VCCI tại miền Trung cho thấy, trong điều kiện nguồn lực của khối công có hạn, thì mô hình hợp tác công-tư đã tỏ ra rất hiệu quả trong tăng cường khả năng chống chịu thiên tai của cộng đồng và của doanh nghiệp. Việc nhân rộng mô hình này có thể góp phần hiện thực hóa các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước theo hướng đổi mới mô hình tăng trưởng – tăng trưởng nhanh, chất lượng gắn với tính bền vững, trong đó có chính sách phòng tránh, giảm nhẹ thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu”.
Tham gia thảo luận tại Hội thảo, ông Nguyễn Diễn- Phó giám đốc VCCI Đà Nẵng đồng thời là giảng viên nguồn của Dự án DRM đã đề nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư (KHĐT) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) cần bổ sung phần hướng dẫn DN xây dựng phương án ứng phó thiên tại được quy định tại Khoản 4.b, Điều 22 Luật Phòng chống thiên tai (PCTT) và hướng dẫn biểu mẫu để DN báo cáo thiệt hại do thiên tai gây ra theo quy định tại Khoản 1, Điều 31 Luật PCTT. Mặc dù Bộ KHĐT đã ban hành Thông tư 05/2016/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung PCTT vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế xã hội và Liên bộ KHĐT và Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 43/2015/TTLT- BNNPTNT-BKHĐT hướng dẫn thống kê, đánh giá thiệt hại do thiên tai gây ra với nhiều mẫu biểu nhưng cả hai thông tư chỉ dành cho 3 cấp chính quyền chứ không có mẫu biểu nào dành cho DN và như vậy sẽ khó áp dụng công nghệ thông tin trong công tác tổng hợp kế hoạch, tổng hợp báo cáo thiệt hại.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Hội thảo
Tại Hội thảo lần này, các cơ quan, tổ chức ở khu vực công, khu vực tư, các tổ chức phi Chính phủ trong và ngoài nước cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm và thực tiễn tốt về hợp tác công tư trong lĩnh vực quản lý rủi ro thiên tai tạo tiền đề thúc đẩy, hiện thực hóa mô hình này trong thời gian tới. Nhiều sáng kiến hợp tác công tư trong lĩnh vực QLRRTT xoay quanh việc chủ động lập kế hoạch và phương án phòng ngừa, ứng phó, lập phương án phòng ngừa ứng phó khẩn cấp rủi ro thiên tai trong doanh nghiệp nhằm giảm nhẹ rủi ro khi thiên tai xảy ra, các giải pháp để doanh nghiệp giảm nhẹ rủi ro thiên tai, trách nhiệm của cơ quan nhà nước và doanh nghiệp trong quản lý rủi ro thiên tai... Hội thảo đã thu hút được sự quan tâm rất lớn của các doanh nghiệp trong các ngành bị ảnh hưởng nhiều do BĐKH cũng như các doanh nghiệp có mong muốn phát triển các sản phẩm liên quan đến ứng phó với BĐKH, cũng như các cơ quan nhà nước và các hiệp hội doanh nghiệp.
Dự án “Đẩy mạnh hợp tác công-tư trong quản lý rủi ro thiên tai và tăng cường khả năng chống chịu của cộng đồng tại Việt Nam” được triển khai từ năm 2011 đến năm 2017. Đây là dự án do Văn phòng Trợ giúp thiên tai nước ngoài/Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (OFDA/USAID) tài trợ và Quỹ Châu Á (TAF) tại Việt Nam điều phối. Các đối tác triển khai trong nước bao gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2, Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ (SMEDEC 2) và Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED). |